HỘI NGHỊ "ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ VII BANH CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG (KHÓA X) VỀ NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN VÀ NÔNG THÔN"
Sáng ngày 3/9/2013, tại trụ sở Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tham dự và chủ trì Hội nghị “Đánh giá hoạt động khoa học và công nghệ thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ VII Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn”
Chủ trì hội nghị còn có các đồng chí: Phan Xuân Dũng - Ủy viên TW Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Quốc hội; Cao Đức Phát - Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT; Nguyễn Quân - Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Tại Hội nghị, các nhà khoa học, nhà quản lý đã phát biểu trao đổi về việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN theo Nghị quyết 26-NQ/TW, đồng thời đưa ra những giải pháp và kiến nghị đóng góp cho báo cáo Sơ kết việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ nông nghiệp, nông dân và nông thôn theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW.
TS. Chu Văn Thiện - Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch thay mặt Viện báo cáo trước hội nghị Kết quả nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch của Viện. Từ năm 2008 đến nay, Viện đã thực hiện 41 đề tài/ dự án cấp Nhà nước và cấp Bộ, nghiên cứu tạo ra được 36 TBKT từ các đề tài/dự án, trong đó có có 70% số TBKT được chuyển giao có hiệu quả vào sản xuất ở các lĩnh vực Cơ giới hóa canh tác; Bảo quản và chế biến nông sản; Công nghệ sinh học sau thu hoạch; Cơ giới hóa chăn nuôi;Tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp.
Báo cáo đưa ra đánh giá đóng góp của ngành Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch trong chuỗi giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp hiện nay khoảng 10-12%, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành và tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản ở Việt Nam. Trong báo cáo, TS. Chu Văn Thiện cũng thẳng thắn đưa ra đánh giá mức độ công nghệ lĩnh vực Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch của nước ta so với các nước trong khu vực còn yếu kém và lạc hậu.
Báo cáo cũng nêu lên những tồn tại và khó khăn của Viện nói riêng, của lĩnh vực Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch nói chung. Sau cùng, TS. Chu Văn Thiện cũng mạnh dạn đưa ra các kiến nghị:
- Về quản lý khoa học và công nghệ, các nhiệm vụ KHCN, nên thực hiện những vấn đề lớn, đồng bộ theo các khâu của chuỗi giá trị sản xuất, theo từng cây, từng con và phải dài hơi (5-6, thậm chí 7-8 năm), phải giải quyết dứt điểm, theo đuổi đến sản phẩm cuối cùng.
- Về cơ chế chính sách của Nhà nước, đề nghị Nhà nước cần có cơ chế, chính sách mạnh hơn, mang tính đột phá ban đầu, trước hết là cho các doanh nghiệp chế tạo máy nông nghiệp, đặc biệt là chế tạo máy kéo 4 bánh cỡ vừa và lớn, máy liên hợp thu hoạch và máy cấy. Và về lâu dài chúng ta cũng cần phải có luật về CGHNN như một số nước Ý, Hàn Quốc, Nhật, TQ, Philippines…
- Về quản lý máy nông nghiệp, hiện nay chưa có đơn vị nào chịu trách nhiệm về vấn đề này, để nhằm nâng cao việc quản lý nhà nước về chất lượng máy nông nghiệp chưa được kiểm soát như hiện nay, kiến nghị Nhà nước nên giao chức năng giám định máy nông nghiệp cho Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý.
Ảnh: TS. Chu Văn Thiện trình bày tham luận tại hội nghị