VIỆN CƠ ĐIỆN NÔNG NGHIỆP VÀ CÔNG NGHỆ SAU THU HOẠCH
QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
Trụ sở Viện tại số 60 Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy , Thành phố Hà Nội
1. Lịch sử hình thành
Ngày 11/4/1968 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp đã phê duyệt quyết định thành lập Viện Công cụ và Cơ giới hóa nông nghiệp, đánh dấu sự ra đời của một tổ chức nghiên cứu khoa học đầu ngành về lĩnh vực cơ giới hóa, điện khí hóa sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn. Qúa trình hình thành và phát triển Viện đã trải qua nhiều giai đoạn với các tên gọi khác nhau: Viện Công cụ và Cơ giới hóa nông nghiệp (1968 - 1994), Viện Cơ điện nông nghiệp và Chế biến nông sản (1994 - 1997) và Viện Cơ điện nông nghiệp (1997- 2003).
Viện Lương thực (sau là Viện công nghệ sau thu hoạch) thuộc Bộ Lương thực được thành lập theo Nghị định số 168/CP ngày 23 tháng 4 năm 1981 của Hội đồng Chính phủ. Ngày 18 tháng 10 năm 1989, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm phê duyệt Quyết định số 400/NN-TCCB đổi tên Viện Lương thực thành Viện Công nghệ sau thu hoạch.
Ngày 11/4/2003, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt quyết định hợp nhất Viện Cơ điện nông nghiệp và Viện Công nghệ sau thu hoạch thành Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch ngày nay.
2. Qúa trình xây dựng và phát triển
Trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước (1968 - 1975), ngay từ những năm đầu thành lập, Viện Công cụ và Cơ giới hóa nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ nghiên cứu triển khai, tuy vậy với sự nổ lực vượt khó của tập thể cán bộ, công nhân viên chức đã bước đầu hình thành và xây dựng được nền tảng phát triển ngành Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp ở Miền Bắc.
Sau ngày thống nhất đất nước (1975 - 1986), địa bàn hoạt động của Viện trải rộng khắp cả hai miền nam bắc. Nhiều hệ thống máy và thiết bị phục vụ các khâu cơ giới hóa canh tác từ làm đất đến thu hoạch liên tục được phát triển đa dạng về chủng loại, năng suất, chất lượng ngày một nâng cao. Các nghiên cứu về sơ chế, chế biến nông sản bước đầu được hình thành và phát triển đáp ứng kịp thời phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Bước sang thời kỳ đổi mới (1987 - 2000) sản xuất nông nghiệp gặp nhiều biến động, nền kinh tế thị trường bắt đầu hình thành, trong nông nghiệp thực hiện cơ chế khoán 10, ruộng đất bị chia nhỏ manh mún, hệ thống Cơ giới hóa nông nghiệp từ trung ương xuống địa phương gần như phân rã. Từ thực tế đó, Viện chủ trương đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ phù hợp với đối tượng nông hộ. Hàng loạt các sản phẩm nghiên cứu phù hợp với điều kiện sản xuất nhỏ gồm máy công tác gắn với các loại máy kéo nhỏ 2 bánh, bốn bánh công suất từ 4 - 20 mã lực được ra đời và phát huy có hiệu quả. Các sản phẩm tiêu biểu như: Các loại máy gieo hạt, máy cấy đơn giản, các chủng loại bơm nước hướng trục đứng và nghiêng công suất từ 50 đến 1000 m3/h phục vụ tưới tiêu nội đồng; các loại máy đập tuốt lúa, máy tẽ ngô, bóc lạc. Trong sơ chế bảo quản nông sản cũng được ứng dụng rộng rãi các loại máy sấy; máy phân loại, làm sạch. Trong chăn nuôi đã bắt đầu ứng dụng các loại máy nghiền, trộn, ép viên, đóng bao. Lĩnh vực điện nông nghiệp đã bắt đầu phát triển các loại thiết bị xử lý bằng điện trường cao áp, thiết bị tạo ôzôn trong bảo quản nông sản; Khai thác các dạng năng lượng từ phế thải nông nghiệp; Hệ thống máy và thiết bị chế biến sợi lương thực, chè xanh, thức ăn chăn nuôi, phân bón vi sinh…
Cũng trong giai đoạn này, Viện Công nghệ sau thu hoạch tiếp tục được củng cố và phát triển, nhiều đề tài nghiên cứu tập trung vào lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản và chế biến nông sản, kiểm tra đánh giá chất lượng nông sản thực phẩm. Nhiều sản phẩm nghiên cứu đã được đưa vào ứng dụng như các mô hình sấy và bảo quản thóc, ngô, đậu đỗ qui mô hộ, liên hộ; Công nghệ và thiết bị chế biến các sản phẩm ăn liền; Công nghệ sản xuất một số thực phẩm chức năng từ nông sản và thảo dược …
Sau khi hợp nhất, cơ cấu tổ chức của Viện được sắp xếp theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực phù hợp với chức năng nhiệm vụ mới bao gồm các lĩnh vực nông lâm thủy sản, các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo và hợp tác quốc tế của Viện đã được nâng lên một tầm cao mới. Hiện nay về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Viện được phê duyệt theo Quyết định số 4236/QĐ - BNN -TCCB, ngày 26/10/2015 của Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
3. Cơ cấu tổ chức
Khối quản lý gồm 3 phòng chức năng: Phòng Tổ chức Hành chính; Phòng Khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế; Phòng Kế toán tài chính.
Khối nghiên cứu và triển khai gồm 12 đơn vị cấu thành và trực thuộc: (i) 04 Bộ môn nghiên cứu và Phòng thí nghiệm: Bộ môn Điện và Tự động hóa; Bộ môn công nghệ Bảo quản nông sản; Bộ môn công nghệ Sinh học và Hợp chất thiên nhiên; Phòng thí nghiệm quốc gia Vilas 019 (ii) 08 Trung tâm trực thuộc có con dấu riêng: Trung tâm nghiên cứu chế biến nông sản thực phẩm; Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Tư vấn đầu tư; Trung tâm phát triển cơ điện nông nghiệp; Trung tâm máy nông nghiệp và thủy khí; Trung tâm Giám định máy và Thiết bị; Trung tâm kiểm tra chất lượng nông sản; Phân Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoach -TPHCM; Trung tâm nghiên cứu và CGCN cơ điện miền Trung.
♦ Nguồn nhân lực:
Từ ngày mới thành lập với một vài chục kỹ sư, kỹ thuật viên, sau khi hợp nhất đội ngũ cán bộ viên chức của Viện lên đến 350 người, tương ứng cơ cấu trình độ nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2003 - 2015 là khá mạnh với khoảng 3 - 4 Phó giáo sư, 24 - 26 tiến sĩ, 95 thạc sĩ, trên 120 kỹ sư. Giai đoạn 2015 - 2023 Viện bắt đầu chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, nguồn nhân lực cũng có nhiều biến động, đặc biệt số cán bộ khoa học có trình độ cao và kinh nghiệm dần đến tuổi nghỉ hưu, trong khi công tác tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực gặp rất nhiều khó khăn, song song với lộ trình tinh giản biên chế và bộ máy, số cán bộ dư dôi khó sắp xếp theo vi trí việc làm. Đến nay số biên chế của Viện là 252 người, trong đó gồm 01 Phó giáo sư, 19 tiến sĩ, 70 thạc sĩ, 101 kỹ sư thuộc 2 lĩnh vưc chuyên môn chính là cơ khí nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch. Giai đoạn tới đây đứng trước nhiều cơ hội thuận lợi cho định hướng phát triển Viện, tuy vậy thách thức lớn đổi với Viện là vấn đề nâng cao chất lượng và đào tạo nguồn nhân lực.
♦ Công tác nghiên cứu khoa học:
Nhiều công trình nghiên cứu có hàm lượng khoa học công nghệ ngày càng cao, bám sát hơn với thực tiễn sản xuất, góp phần đổi mới công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng và giảm tổn thất sau thu hoạch cho các mặt hàng nông lâm thủy sản như:
+ Lĩnh vực cơ giới hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp: Quy trình và hệ thống máy làm đất chăm sóc cây mía, ngô và lạc; Quy trình và hệ thống máy sản xuất mạ khay công nghiệp; Máy cấy mạ thảm 4 - 6 hàng; Máy thu gom và đóng kiện rơm rạ; Máy liên hợp thu hoạch lúa, ngô, lạc, mía; Hệ thống thiết bị cơ giới hóa sản xuất cây giống; Hệ thống thiết bị điều khiển vi khí hậu trong nhà lưới, nhà kính; Quy trình và hệ thống tưới tiết kiệm nước kết hợp bón phân …
+ Lĩnh vực bảo quản nông lâm thủy sản: Công nghệ và thiết bị sản xuất chế phẩm tạo màng, công nghệ điều chỉnh khí quyển CA và công nghệ bao gói khí điều biến MAP ứng dụng trong bảo quản rau quả tươi; Hệ thống thiết bị sơ chế, bảo quản rau quả tươi (packing house); Hệ thống kho bảo quản lạnh và bảo quản đông, quy mô 100 - 2000m3; Công nghệ sản xuất và ứng dụng chế phẩm 1- MCP để ức chế sản sinh khí ethylene nhằm kéo dài thời gian bảo quản rau quả; Công nghệ và thiết bị rấm chín quả bằng khí Ethylene; Công nghệ xử lý cận thu hoạch để kéo dài thời gian chín trên cây bằng chế phẩm sinh học Retain; Công nghệ sản xuất một số chế phẩm vi sinh để phòng chống độc tố aflatoxin và ochratoxin A trên ngô, lạc, cà phê …
+ Lĩnh vực chế biến nông lâm thủy sản: Dây chuyền thiết bị đồng bộ sản xuất hạt giống cây trồng, năng suất 1 - 2 tấn/h; Dây chuyền thiết bị đồng bộ chế biến thức ăn chăn nuôi, năng suất 5 - 15 tấn/h; Dây chuyền thiết bị đồng bộ sản xuất colophan và tinh dầu thông, quy mô 5000 - 10.000 tấn sản phẩm/năm; Dây chuyền thiết bị sản xuất bột cá, năng suất 2 - 3 tấn/h; Dây chuyền thiết bị giết mổ gia súc, gia cầm quy mô tập trung; Hệ thống thiết bị sấy tháp, quy mô 10 - 50 tấn/mẻ; Hệ thống thiết bị sấy bơm nhiệt, quy mô 100 - 3000 kg nguyên liệu/mẻ; Công nghệ và thiết bị sản xuất các loại mứt quả, năng suất từ 1 - 2 tấn/h; Công nghệ và thiết bị sản xuất một số thực phẩm chức năng từ rong biển, nấm dược liệu; Dây chuyền thiết bị đồng hóa và xử lý nước ép trái cây đóng lon, năng suất 5000 lít/h; Công nghệ và hệ thống thiết bị cấp đông siêu tốc bằng chất tải lạnh lỏng, quy mô công nghiệp; Công nghệ và hệ thống thiết bị chiên chân không liên tục, Công nghệ và hệ thống thiết bị chế biến tinh bột trơ ừng dụng trong công nghiệp thực phẩm …
+ Lĩnh vực tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp: Dây chuyền thiết bị sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ rơm rạ; Hệ thống lò đốt theo công nghệ tầng sôi, khí hóa và xoáy ly tâm sử dụng phế thải nông nghiệp; Hệ thống thiết bị sản xuất viên nén làm chất đốt từ rơm ra; Công nghệ sản xuất phân bón vi sinh đa chủng đa chức năng azotobacterin; Công nghệ và hệ thống thiết bị xử lý nhanh phân gà bằng chế phẩm vi sinh…
♦ Công tác chuyển giao công nghệ:
Song song với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, công tác chuyển giao công nghệ luôn được Viện xác định là nhiệm vụ trọng tâm và là mục tiêu cho các đề tài/dự án nghiên cứu triển khai. Đặc biệt trong những năm gần đây, nhiều kết quả nghiên cứu của Viện liên tục được hoàn thiện và phát triển, bám sát thiết thực với nhu cầu thực tế của sản xuất, được các doanh nghiệp chấp nhận. Thực tế cho thấy số lượng đặt hàng hàng năm từ các doanh nghiệp và địa phương ngày càng tăng, giá trị hợp đồng chuyển giao cũng liên tục gia tăng trên 200% so với 5 năm trước, trong đó nhiều doanh nghiệp lớn và tập đoàn đã tin tưởng và ký kết hợp tác thường xuyên với Viện trong công tác nghiên cứu và phát triển công nghệ như: Công tỳ cổ phần thực phẩm Đồng Giao; tập đoàn Nafoods; Công ty cổ phần thông Quảng Ninh; Công ty cổ phần Bá Hải tỉnh Phú Yên; Công ty cổ phần Sinh học Tân Việt; Công ty TNHH Dũng Đạt Vĩnh Phúc, Công ty Cổ phần Tập Đoàn Chánh Thu, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Rồng Đỏ; Công ty cổ phần Toàn Cầu tỉnh Bắc Giang ... Điều này cho thấy những kết quả nghiên cứu của Viện đã từng bước phát huy được hiệu quả, góp phần phục vụ sản xuất nông nghiệp, đồng thời tạo được nhiều công ăn việc làm và thu nhập tăng thêm cho đội ngũ cán bộ khoa học, phù hợp với cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp khoa học công lập trong giai đoạn hiện nay.
♦ Công tác Giám định và Kiểm tra chất lượng:
+ Đã xây dựng được trên 200 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về máy nông nghiệp, chất lượng nông sản thực phẩm, phục vụ công tác quản lý chất lượng của ngành.
+ Viện đã liên tục hỗ trợ tăng cường năng lực để thực hiện chức năng đo lường, khảo nghiệm, giám định máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp; kiểm định kỹ thuật an toàn các loại máy, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm;
+ Phòng VILAS-19 ngoài nhiệm vụ kiểm định đánh giá lại phòng thí nghiệm còn khai thác hiệu quả trang thiết bị, phục vụ thiết thực công tác nghiên cứu triển khai, đáp ứng các yêu cầu của Viện và bước đầu khẳng định được vị trí trong Hệ thống các phòng thí nghiệm VILAS cũng như uy tín đối với khách hàng.
♦ Công tác đào tạo tiến sĩ
Viện là một trong các cơ sở đào tạo được Bộ Giaó dục và Đào tạo giao chức năng đào tạo trình độ tiến sỹ với 2 chuyên ngành: Kỹ thuật Cơ khí (từ năm 1991) và Công nghệ sau thu hoạch (từ năm 2012). Giai đoạn 10 năm qua cơ sở đào tạo của Viện luôn duy trì 10 - 18 nghiên cứu sinh học tập và nghiên cứu. Tính đến thời điểm hiện tại Viện đã đào tạo được 30 tiến sỹ kỹ thuật, nhiều tiến sĩ sau khi bảo vệ luận án tại Viện đã trở thành những cán bộ khoa học chủ chốt tại các cơ quan nghiên cứu, quản lý, giảng dạy và chỉ đạo sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
♦ Hoạt động hợp tác quốc tế:
Hiện Viện thiết lập quan hệ và duy trì hợp tác với trên 20 viện nghiên cứu và tổ chức quốc tế. Viện là cơ quan đầu mối của Trung tâm Cơ giới hóa nông nghiệp bền vững (CSAM) thuộc Ủy ban Kinh tế xã hội châu Á - Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc (UN-ESCAP), là cơ quan điều phối khoa học công nghệ lương thực thực phẩm ASEAN Việt nam. Hợp tác với Mạng lưới Khảo nghiệm Máy Nông nghiệp Châu Á-Thái Bình Dương (ANTAM). Tiếp tục tham gia các dự án hợp tác nghiên cứu song phương với các nước và các tổ chức quốc tế như: Argentina, Katakura (Nhật), Viện Máy NN Nhật (IAM-BRAIN-NARO), UNIDO, … Nhiều cán bộ giỏi, dày dạn kinh nghiệm đã được cử làm chuyên gia sang giúp các nước đang phát triển như CuBa, Lào, Campuchia, Ăngôla, Môdămbich, Senegan, Ghine, Benanh, Irắc…
4. Thành tích khen thưởng và Giải thưởng KH&CN
Ghi nhận những thành tích xuất sắc của Viện qua các thời kỳ, Nhà nước đã tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động Hạng Ba (1981); Huân chương Lao động hạng Nhì (1985); Huân chương Lao động hạng Nhất (1995); Huân Chương Độc lập Hạng Ba (2001);Huân chương Độc lập hạng Nhì (2008); 02 Giải thưởng Nhà nước (2000); 07 Giải thưởng Quốc tế; 09 Giải thưởng Sáng tạo KH&CN Việt Nam VIFOTEC (1999, 2002, 2004, 2011, 2020, 2021, 2022, 2023); 04 Giải thưởng Bông lúa Vàng (2012 và 2015); 03 công trình được tuyển chọn và công bố Sách Vàng Sàng tạo KH&CN Việt Nam (2016, 2023) và nhiều Cúp vàng nông nghiệp; Cúp Vàng TECHMART; Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp; Bằng độc quyền sáng chế và Bằng độc quyền giải pháp hữu ích...
Nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày thành lập và 20 năm hợp nhất Viện, thay mặt Đảng ủy, ban lãnh đạo Viện và toàn thể cán bộ công nhân viên chức Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch xin chân thành cảm ơn Đảng và Nhà nước, các bộ, ban ngành trung ương và địa phương, các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp và các nhà khoa học đã quan tâm phối hợp, hỗ trợ và giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi đối với Viện trong suốt quá trình xây dựng và phát triển. Chúng tôi cũng xin chân thành cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên chức của Viện qua các thời kỳ đã có nhiều đóng góp xây dựng Viện có được tiềm lực và đạt được những thành tựu như ngày nay.
Phát huy truyền thống 55 năm xây dựng và phát triển, với sự đoàn kết nhất trí cùng sự tâm huyết của tập thể cán bộ công nhân viên chức của Viện, chúng tôi quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Nghiên cứu và Phát triển Viện cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt theo Quyết định số 4771/QĐ-BNN-KHCN. Giai đoạn tới với xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhu cầu xã hội ngày càng cao, đây cũng là cơ hội khẳng định vị thế của Viện bằng các hoạt động Nghiên cứu khoa học, Chuyển giao công nghệ, Đào tạo và Hợp tác quốc tế, xứng tầm là một Viện nghiên cứu đầu ngành của cả nước về lĩnh vực Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch.